Kết hôn trái pháp luật là việc nam, nữ đã đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng một bên hoặc cả hai bên vi phạm điều kiện kết hôn theo quy định tại Điều 8 Luật HN&GĐ. Vậy, có trường hợp nào bị xem là trái pháp luật vẫn được ly hôn?
Trường hợp cho ly hôn đối với kết hôn trái pháp luật
Căn cứ vào điểm c khoản 2 Điều 4 Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP có hướng dẫn:
“Trường hợp tại thời điểm kết hôn, hai bên kết hôn không có đủ điều kiện kết hôn nhưng sau đó có đủ điều kiện kết hôn quy định tại Điều 8 của Luật HN&GĐ thì Tòa án xử lý như sau:
…
- c) Trường hợp hai bên cùng yêu cầu Tòa án cho ly hôn hoặc có một bên yêu cầu ly hôn còn bên kia yêu cầu công nhận quan hệ hôn nhân thì Tòa án giải quyết cho ly hôn. Trường hợp này, quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ, con từ thời điểm kết hôn đến thời điểm ly hôn được giải quyết theo quy định về quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ, con khi ly hôn; quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên từ thời điểm kết hôn đến trước thời điểm đủ điều kiện kết hôn được giải quyết theo quy định tại Điều 16 của Luật HN&GĐ; quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên từ thời điểm đủ điều kiện kết hôn đến thời điểm ly hôn được giải quyết theo quy định tại Điều 59 của Luật HN&GĐ.”
Theo đó, để được ly hôn các bên phải đáp ứng đủ 02 điều kiện sau:
- Tại thời điểm giải quyết hủy kết hôn trái pháp luật, hai bên đã đủ điều kiện kết hôn theo quy định;
- Hai bên cùng yêu cầu ly hôn hoặc một bên yêu cầu ly hôn còn bên kia yêu cầu công nhận quan hệ hôn nhân.
Như vậy, mặc dù bị xem là trái pháp luật nhưng vẫn tồn tại trường hợp các bên có thể được Tòa án cho ly hôn như đã phân tích ở trên.