Sau khi kết hôn, có trường hợp vợ chồng mượn tài sản riêng của nhau để làm ăn riêng. Vậy pháp luật điều chỉnh như thế nào về quan hệ này?
1. Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng của vợ chồng
Theo quy định tại Điều 44 của Luật HN&GĐ:
- “1. Vợ, chồng có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng của mình; nhập hoặc không nhập tài sản riêng vào tài sản chung.
- 2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng không thể tự mình quản lý tài sản riêng và cũng không ủy quyền cho người khác quản lý thì bên kia có quyền quản lý tài sản đó. Việc quản lý tài sản phải bảo đảm lợi ích của người có tài sản.
- 3. Nghĩa vụ riêng về tài sản của mỗi người được thanh toán từ tài sản riêng của người đó.
- 4. Trong trường hợp vợ, chồng có tài sản riêng mà hoa lợi, lợi tức từ tài sản riêng đó là nguồn sống duy nhất của gia đình thì việc định đoạt tài sản này phải có sự đồng ý của chồng, vợ”.
Như vậy, nếu tài sản riêng của vợ/chồng không được nhập vào tài sản chung, việc chiếm hữu, sử dụng và định đoạt là quyền của vợ/chồng.
2. Chồng mượn tài sản riêng của vợ
Theo Điều 494 BLDS 2015 thì “hợp đồng mượn tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho mượn giao tài sản cho bên mượn để sử dụng trong một thời hạn mà không phải trả tiền, bên mượn phải trả lại tài sản đó khi hết thời hạn mượn hoặc mục đích mượn đã đạt được”.
Mặc dù đã là vợ chồng, về nguyên tắc việc chồng mượn tài sản riêng của vợ có nghĩa hai người đã thiết lập quan hệ dân sự thông qua hợp đồng mượn tài sản. Do đó, hai bên phải thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật dân sự.